Bitcoin (BTC) là gì? Tất tần tật những thứ cần biết về Bitcoin

Thời gian này anh em hẳn đều rất tò mò: Bitcoin là gì?​ Tại sao mọi người lại đổ xô đi đầu tư Bitcoin? Điều gì khiến Bitcoin trở nên thu hút như vậy? Bài viết này sẽ giúp anh em trả lời những câu hỏi trên, đồng thời cung cấp mọi thông tin về Bitcoin và tất tần tật về đầu tư Bitcoin. 

kêu gọi mua bitcoin
Bức ảnh nổi tiếng chụp 1 fan hâm mộ kêu gọi mua Bitcoin khi Cựu Chủ tịch FED Janet Yellen điều trần trước Quốc hội Mỹ năm 2017

Bitcoin là gì?

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở và phát minh bởi Satoshi Nakamoto. Đây cũng chính là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới, đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường crypto. 

Bitcoin sử dụng giao thức ngang hàng (peer-to-peer) cho tất cả các giao dịch. Điều này giúp cho Bitcoin loại bỏ bước trung gian trong quá trình thực hiện giao dịch. Nói một cách dễ hiểu, giao dịch Bitcoin sẽ được thực hiện trực tiếp từ người gửi đến người nhận với phí giao dịch cực kỳ thấp (gần như bằng 0) mà không phải qua bất cứ tổ chức hay cá nhân trung gian nào.

Lịch sử hình thành Bitcoin (BTC)

Theo Wikipedia: “Bitcoin bắt đầu được Satoshi thiết kế từ 2007 khi ông tin rằng có thể thiết kế được một hệ thống giao dịch mà các thành viên không cần tin tưởng nhau. Tên miền bitcoin.org được đăng ký vào ngày 18 tháng 8 năm 2008. 

Bitcoin lần đầu được nhắc đến vào ngày 31 tháng 10 năm 2008 trong bản cáo bạch về giao thức thanh toán ngang hàng của nhân vật ẩn danh Satoshi Nakamoto. Nó bắt đầu được đưa vào sử dụng từ ngày 3 tháng 1 năm 2009 với khối Bitcoin khởi thủy được ra đời (genesis block). 

Giao dịch Bitcoin đầu tiên được thực hiện khi Satoshi Nakamoto gửi 10 bitcoin cho nhà mật mã học Hal Finney vào ngày 12 tháng 1 năm 2009, ngay khi phần mềm Bitcoin được phát hành lần đầu.”

Giao dịch này đánh dấu sự ra đời của Bitcoin, đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới mà không chịu sự kiểm soát của chính phủ hay ngân hàng trung ương.

Thế nhưng cho đến nay, danh tính về Satoshi Nakamoto vẫn là một dấu hỏi lớn, cuộc điều tra về nhân vật này đã lôi kéo cộng đồng công nghệ, chuyên gia lập trình và thậm chí phóng viên các tờ báo lớn ở Mỹ nhập cuộc.

Liệu cha đẻ của Bitcoin thật sự là ai? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây: Satoshi Nakamoto là ai?

Bitcoin có lừa đảo không?

Nhiều người vẫn thường mặc định thì cái gì ảo phần lớn là lừa đảo. Nhưng Bitcoin thì hoàn toàn không!

Điều này có thể chắc chắn 100% vì bạn đã bao giờ thấy vàng có thể lừa đảo chưa? Bitcoin không thể được tạo ra, mà bạn chỉ có thể khai thác (đào Bitcoin) cũng giống như vàng vậy. Và Bitcoin được ví như vàng kỹ thuật số. 

Nếu đã từng nghe thấy có người bị lừa đảo vì Bitcoin thì chỉ có thể là người lợi dụng đồng Bitcoin để lừa đảo mà thôi. 

Thậm chí đã có một đất nước trên thế giới đã chấp nhận Bitcoin như một đồng tiền hợp pháp và đang tham vọng xây dựng nên một Bitcoin City – Thành phố Bitcoin. Nếu cảm thấy thú vị, bạn có thể tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Đọc ngay: El Salvador: Quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin

Bitcoin có hợp pháp tại Việt Nam không?

Khi muốn tham gia và đầu tư vào đồng Bitcoin thì bạn nên biết một số quy định pháp luật tại Việt Nam để tránh “tiền mất tật mang”.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có thông báo chính thức được sử dụng đồng Bitcoin một cách hợp pháp. Chính vì vậy, đừng bao giờ dại dột mà mang Bitcoin đi thanh toán khi mua hàng nhé!

Nhưng nếu coi Bitcoin là một loại hàng hóa dùng tiền để mua hoặc đầu tư thì vẫn hợp pháp. Cho đến thời điểm này, rất nhiều người đã đầu tư vào Bitcoin và kiếm được lợi nhuận.

Sự khác biệt giữa Bitcoin với các loại tiền khác

Như đã nói ở trên, Bitcoin (BTC) là một đồng tiền kỹ thuật số nên nó không có hình dạng. Nó cũng giống tất cả các loại tiền chính thống như USD, Euro, VND… nhưng được mã hóa bằng điện tử. Điều tạo nên sự khác biệt của Bitcoin sẽ nằm ở các yếu tố sau:

Sự khác biệt giữa Bitcoin và các loại tiền tệ khác

Tính phi tập trung 

Trong thị trường tài chính tập trung truyền thống (CeFi – Centralized Finance), các loại tiền pháp định như USD, VND, EUR,… sẽ bị kiểm soát bởi các tổ chức như Ngân hàng Trung ương hay chính phủ. 

Tuy nhiên Bitcoin thì không như vậy, với tính chất phi tập trung (DeFi) của mình, Bitcoin có thể được truy cập và sử dụng ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào mà không chịu sự chi phối bởi cá nhân, tổ chức tập trung quyền lực nào cả. Điều này có nghĩa là không một ai có thể kiểm soát được Bitcoin

Tính bảo mật và tính không thể làm giả

Bitcoin có độ bảo mật rất cao, xuất hiện và được phân chia hoàn toàn tự động dựa trên các thuật toán. Hack vào hệ thống mạng của Bitcoin dường như là bất khả thi. Nếu muốn làm điều đó, cần phải hack vào tất cả các node ở trong mạng lưới của Bitcoin trong cùng 1 thời điểm. Và để làm điều này gần như là không thể!

Đồng thời, Bitcoin không thể được tạo ra thêm mà chỉ có thể được khai thác (hay còn được gọi là đào Bitcoin). Nghe thì khá giống với việc đào vàng, tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là các thợ đào sẽ đào Bitcoin thông qua việc giải mã các phương trình toán học cực kỳ phức tạp. Cũng vì vậy mà Bitcoin cũng không thể bị làm giả. Mình sẽ trình bày chi tiết hơn về vấn đề này ở phần dưới.

Phí giao dịch thấp

Nhờ có giao thức ngang hàng (peer-to-peer) loại bỏ bước trung gian như trong quá trình thực hiện giao dịch thông thường mà phí giao dịch với Bitcoin (BTC) cực kỳ thấp, gần như bằng 0.

Không thể lấy lại tiền khi giao dịch đã xảy ra

Một khi đã thực hiện giao dịch BTC, bạn sẽ không thể hoàn tác hay lấy lại tiền vì thông tin lúc này đã được ghi vào Blockchain, sẽ không ai có thể thay đổi hay chỉnh sửa thông tin đó được. Do đó, cần phải cân nhắc kỹ khi đầu tư Bitcoin.

Giá trị thực của Bitcoin nằm ở đâu?

Những năm gần đây Bitcoin tăng giá trị một cách chóng mặt, BTC đã từng đạt mức giá kỷ lục là 63,825 USD/BTC vào ngày 14/04/2021. Nhưng đây không phải giá trị thực của BTC, mà chỉ là phản ánh quy luật cung cầu của thị trường mà thôi.

Vậy giá trị thực của Bitcoin nằm ở đâu? Câu trả lời thích hợp nhất chính là ở công nghệ của nó! Chính vì Bitcoin sử dụng giao thức ngang hàng cho tất cả các giao dịch và loại bỏ bước trung gian trong quá trình thực hiện giao dịch. Đây là lý do để Bitcoin tồn tại.

Bitcoin hoạt động như thế nào?

Tất cả các tính chất ưu việt của Bitcoin được xây dựng nhờ vào hai loại công nghệ mới: 

  • Công nghệ Blockchain.
  • Công nghệ sổ cái phân tán.

Công nghệ Blockchain 

Công nghệ Blockchain được xem là bước đột phá tài chính của tương lai. 

Có thể hiểu Blockchain là một cuốn sổ cái điện tử được phân phối trên nhiều máy tính khác nhau (tính phi tập trung), lưu trữ mọi thông tin giao dịch và đảm bảo các thông tin đó không thể bị thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào (tính minh bạch).

Mọi thông tin được lưu trên cuốn sổ cái đó sẽ được xác nhận bởi hàng loạt máy tính được kết nối trong một mạng lưới chung. Sẽ không một cỗ máy nào có khả năng thay đổi, viết đè lên hay xóa dữ liệu trong cuốn sổ cái đó.

Như vậy, Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu.

Cách hoạt động của công nghệ blockchain

Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi mà chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Hệ thống này được bảo toàn ngay cả khi một phần trong hệ thống gặp vấn đề.

Chưa hết, Blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin. Thật tiện ích khi một người nhập có thể chia sẻ thông tin cho nhiều đơn vị trong cùng một mạng lưới được xây dựng.

Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn về tính chất và cách hoạt động Blockchain ngay thông qua bài viết: Công nghệ blockchain là gì?

Công nghệ Sổ cái phân tán (DLT)

Công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technology – DLT) là một tập hợp các cơ sở dữ liệu mà không được lưu trữ hay xác nhận bởi bất kỳ một bộ máy trung ương nào hết.

Đối với DLT, người tích hợp nó sẽ có quyền kiểm soát lớn hơn đối với cách thức nó được tích hợp. Về nguyên tắc, họ vẫn có thể độc quyết cơ cấu, mục đích và quá trình vận hành mạng lưới sử dụng dịch vụ của họ. Sổ cái phân tán có được xem như là bước đầu tiên để tiến lên Blockchain.

Tuy nhiên, nó không được tạo nên bởi một chuỗi các block mà chiếc sổ cái sẽ được lưu trữ trên nhiều server khác nhau. Tiếp đó sẽ liên lạc lẫn nhau để đảm bảo duy trì dữ liệu giao dịch mới nhất và cập nhật chính xác nhất.

Tổng số đồng Bitcoin được tạo ra là bao nhiêu?

Tổng số Bitcoin đã được tạo ra là 21,000,000 đồng BTC. Sẽ không có một ai thay đổi được con số này kể cả người sáng lập là Satoshi Nakamoto. 

Hiện tại, số Bitcoin đã được khai thác rơi vào khoảng 17 triệu BTC, tức là còn có 4 triệu BTC để khai thác mà thôi. Tuy nhiên, con số Bitcoin thực tế được lưu hành trên thị trường sẽ nhỏ hơn 17 triệu do một số nguyên nhân khác nhau.

Đơn vị của Bitcoin (BTC)

Bitcoin cũng giống những đồng tiền truyền thống khác là có đơn vị Bitcoin.

Đơn vị nhỏ nhất của Bitcoin được đặt theo tên gọi của nhà sáng lập chính là Satoshi. 

Với tỷ lệ 1 BTC = 100,000,000 Satoshi. 

Tức một đơn vị Satoshi = 0.00000001 BTC.

Đơn vị của Bitcoin (BTC)

Các hình thức đầu tư Bitcoin

Như đã nói ở trên, hiện nay có rất nhiều người chọn Bitcoin là một kênh đầu tư giống như chứng khoán hay Forex. Sau đây là một số cách để kiếm được lợi nhuận từ Bitcoin.

Đào Bitcoin (Bitcoin Mining)

Hình thức đầu tiên giúp anh em kiếm tiền từ Bitcoin đó là đào Bitcoin (Bitcoin Mining). 

Để các giao dịch trong mạng lưới của Bitcoin hoạt động trơn tru cần phải được xác nhận bởi những người gọi là các miner – thợ mỏ. Việc khai thác Bitcoin sẽ được thực hiện bởi các máy đào Bitcoin có cấu hình khủng, và người ta cũng đã phát triển được máy đào Bitcoin chuyên dụng gọi là ASIC.

Khi đào Bitcoin thì một việc quan tâm đầu tiên là cách thức Bitcoin hoạt động, cũng như chi phí của công nghệ blockchain như thế nào? Thuật đoán đồng thuận sẽ cho bạn biết rõ điều đó!

Các thuật toán đồng thuận blockchain được thiết kế để đảm bảo rằng các giao dịch là hợp lệ và được phân phối trên nhiều người tham gia để xác minh tính chính xác và tạo nên khả năng bồi hoàn cho các giao dịch.

Có bốn thuật toán hàng đầu cần phải biết đó là:

  • Bằng chứng công việc PoW – Proof of Work.
  • Bằng chứng cổ phần PoS – Proof of Stake.
  • Bằng chứng ủy quyền cổ phần DPoS – Delegated Proof of Stake.
  • Cơ chế đồng thuận chống gian lận BFT – Byzantine Fault Tolerance.

Máy đào Bitcoin cũng giống các loại máy đào coin thông thường là có các thông số kỹ thuật.

  • Đơn vị đo lường để biết được bạn đào được bao nhiêu Bitcoin đó chính là Hashrate, đơn vị đo lường khả năng tính toán của thiết bị dùng để khai thác các đồng tiền ảo.
  • Vào thời điểm đào Bitcoin, các thợ đào cần giải quyết rất nhiều bài toán và chỉ sau khi tìm ra đáp án thì mới có thể kiếm được Bitcoin. Tất cả những giao dịch trước đó sẽ được lưu trữ tại khu vực chung.
  • Các thợ đào tập hợp hash cần thiết từ các kết hợp khác nhau, cho phép truy cập vào các khóa bí mật và các hoạt động giao dịch mới.

Một số loại máy đào Bitcoin có thể tham khảo đó là: Antminer S9Antminer S7AvalonMiner 761WhatsMiner M3AvalonMiner 821.

Bên cạnh đầu tư một dàn máy chuyên dụng, bạn cũng có thể đào Bitcoin miễn phí thông qua các trang đào Bitcoin uy tín hoặc các ứng dụng, phần mềm đào Bitcoin trên điện thoại. Tuy nhiên, với phương pháp này thì khả năng đào được Bitcoin sẽ không cao, nếu không muốn nói là rất thấp.

Mua và nắm giữ Bitcoin – HOLD 

Cách thứ hai mình muốn đề cập là mua BTC để nắm giữ lâu dài (HOLD). Hold là hình thức đầu tư Bitcoin phổ biến nhất. Và nếu không biết về phân tích kỹ thuật thì có lẽ bạn sẽ phù hợp với hình thức này. 

Về bản chất thì hold Bitcoin là việc người dùng mua Bitcoin ở giá thấp, nắm giữ trong một khoảng thời gian dài chờ đến khi giá tăng cao và bán ra để có lợi nhuận. Quyết định mua bán sẽ dựa vào việc phân tích cơ bản là chính, đánh giá, dự đoán về tương lai dự án chứ không dùng phân tích kỹ thuật (hoặc rất ít).

Mua và nắm giữ Bitcoin

Có hai cách tích trữ Bitcoin là mua Bitcoin trên các sàn giao dịch Bitcoin và trên chợ đen. Mỗi cách có những ưu, nhược điểm riêng.

  • Một số sàn giao dịch Bitcoin uy tín có thể tham khảo là: Remitano, Binance, Okex, Huobi,…
  • Mua Bitcoin ở chợ đen là cách “hoang dã” nhất và nguy hiểm nhất để mua Bitcoin. Bạn chỉ cần đi đến một trung tâm mua sắm hoặc chợ trời và yêu cầu một người giao dịch tiền điện tử. Với nhiều quốc gia gọi đây là giao dịch đen của dòng tiền bất hợp pháp. Số tiền này hoàn toàn vô hình đối với cơ quan thuế hoặc ngân hàng trung ương.

Trade Bitcoin

Trade Bitcoin là một hình thức kiếm lợi nhuận trong một khoảng thời gian ngắn, thường là vài giờ hoặc vài ngày. Điều này tạo ra một nhóm người được gọi là Bitcoin Trader. Họ sử dụng phân tích kỹ thuật để phân tích biểu đồ giá cả của Bitcoin. Với mục đích tìm điểm mua vào với giá thấp và điểm bán ra ở giá cao hơn.

Có một số cách đầu tư Bitcoin khác mà anh em nên tham khảo đó là:

  • ICO (Initial Coin Offering) là một hình thức huy động vốn đầu tư thông qua tiền điện tử cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực blockchain. Để đầu tư với hình thức này, anh em sẽ cần sử dụng một đồng tiền điện tử khác, không phải là Bitcoin.
  • Trade Margin hay còn gọi là giao dịch ký quỹ – đây là một hình thức vay tiền của sàn giao dịch nào đó. Giải thích kỹ thuật một chút thì nó là hình thức sử dụng “đòn bẩy” tài chính là vốn của sàn. Nhờ đó, anh em sẽ có thêm tiền để giao dịch và mang lại lợi nhuận cao hơn. Và, tất nhiên khi tham gia margin trong trade coin anh em sẽ bị tính lãi suất vay.

Mua Bitcoin ở đâu?

Giao dịch BTC trên sàn giao dịch

Bạn có thể mua Bitcoin trên các sàn giao dịch có hỗ trợ BTC. Chúng ta đều biết có 2 loại sàn giao dịch là DEX (sàn phi tập trung) và CEX (sàn tập trung), nhưng hiện nay Bitcoin chỉ có thể được mua bán trên các sàn CEX. 

Một số sàn giao dịch Bitcoin uy tín anh em có thể tham khảo là: Remitano, Binance, Okex, Huobi,… 

Người dùng thường ưu tiên mua Bitcoin trên Remitano hơn, vì khi anh em mua và bán Bitcoin trên sàn này sẽ được đảm bảo về mức độ an toàn, giao dịch nhanh gọn và không lo bị lừa đảo.

Giao dịch BTC thông qua Bitcoin ATM

Bitcoin ATM (BTM) là một máy Internet cho phép người sử dụng trao đổi Bitcoin và tiền mặt. Nhà cung cấp dịch vụ Bitcoin ATM có thể yêu cầu người dùng xuất trình thông tin liên quan để có thể thực hiện giao dịch trên máy.

Bitcoin ATM không giống như những máy ATM truyền thống, vì nó không kết nối với thẻ ngân hàng và người dùng có thể trao đổi trực tiếp giữa Bitcoin và tiền mặt. Một số máy Bitcoin ATM hai chiều cho phép rút Bitcoin hoặc tiền mặt.

máy bitcoin atm
Máy Bitcoin ATM

Lưu trữ BTC ở đâu?

Ví Bitcoin là gì?

Chắc chắn câu hỏi mà nhiều người mới đang thắc mắc đó là: Bitcoin là một đồng tiền điện tử thì phải “đựng” nó như thế nào đây? Tương tự như các đồng tiền khác, Bitcoin cũng sẽ được lưu trữ trong một ví gọi là Ví Bitcoin. 

Ví Bitcoin sẽ được xem như một tài khoản Bitcoin, giống như tài khoản ngân hàng hay email vậy. Mỗi ví Bitcoin sẽ bao gồm:

  • Một địa chỉ công khai (giống như số tài khoản và tên chủ sở hữu) gọi là Bitcoin Address.
  • Một khóa riêng tư (giống như mật khẩu của tài khoản Internet Banking) là Private Key.

Người dùng sẽ đăng nhập vào ví bằng Private Key và gửi Bitcoin cho người khác thông qua Bitcoin Address của họ.

Như vậy, một khi khóa riêng tư bị mất, nó đồng nghĩa với việc sẽ bị mất ví và mất toàn bộ tài sản được trữ trong đó. Cho đến nay, không ai có thể lấy lại được số Bitcoin đã mất đó nhưng chúng vẫn được lưu trữ trên hệ thống.

Do đó hãy nhớ thật kỹ điều này, lưu trữ khóa riêng thật cẩn thận và không tiết lộ cho bất kỳ ai!

Các loại ví Bitcoin uy tín nhất hiện nay

Giống như tài khoản ngân hàng, bạn sẽ thường cân nhắc xem nó có uy tín hay không. Ví Bitcoin cũng thế, bạn cũng cần phải biết được những loại ví nào uy tín để gửi BTC của mình vào. 

Có 3 loại ví để có thể lưu trữ BTC:

  • Ví nóng (hay Hot Wallet) là dạng ví lưu trữ online, trong đó người dùng sẽ nắm giữ Private key để tự bảo mật tài sản của mình. Một vài cái tên tiêu biểu cho loại ví này là: Coin98 WalletTrust WalletMetaMask,…
  • Ví lạnh (hay Cold Wallet) là những ví vật lý có thể cầm được trên tay. Thông thường, ví lạnh phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn, ít khi phải giao dịch, vì mỗi lần giao dịch là khá tốn công. Nhưng đổi lại, độ an toàn của ví lạnh là cực cao. Một vài cái tên trong mảng này là Ledger, Trezor,…
  • Ví sàn là ví được tạo ra trên các sàn giao dịch và người dùng không trực tiếp cầm Private key, do đó sẽ có rủi ro là sàn scam hay đột ngột bị shut down thì không thể rút tiền được. Một số sàn như: Binance, Okex, Huobi, Remitano,…

Rủi ro khi đầu tư Bitcoin

Đã đầu tư thì anh em phải chấp nhận rủi ro, và đây là một lĩnh vực cần những người đủ dũng cảm và dám mạo hiểm thì mới tìm được đến thành công.

Bong bóng Bitcoin – Các thời kỳ Bitcoin rơi vào khủng hoảng

Bong bóng Bitcoin là hiện tượng đồng Bitcoin tăng đột biến trong một thời gian ngắn.

Ví dụ: Đầu năm 2017 Bitcoin chỉ có giá là 1000 USD. Nhưng sau 24h nó đã chạm ngưỡng 11000 USD sau đó vượt quá 11000 USD rồi lại quay về 9000 USD. 

Khi đồng BTC tăng lên quá nhanh trong năm 2017, thì sang đến năm 2018 lại xảy ra hiện tượng vỡ bong bóng khi BTC có 10 lần giảm liên tiếp. 

Đây là một rủi ro lớn đối với các nhà đầu tư Bitcoin.

Cùng xem lại lịch sử thăng trầm của Bitcoin với những lần biến động mạnh gây ảnh hưởng đến toàn thị trường Crypto và quá trình Bitcoin hồi phục để tạo đỉnh giá cao hơn thông qua bài phân tích, tổng hợp sau: Bitcoin sập – Thị trường sập & Quá trình hồi phục tạo đỉnh mới

Bitcoin Halving

Rủi ro tiếp theo mà mình muốn cho anh em thấy đó là Bitcoin Halving

Halving nghĩa là chia đôi: Cứ mỗi 210,000 Block Bitcoin được sinh ra (khoảng 4 năm) thì phần thưởng cho việc đào được từ 1 Block Bitcoin mới sẽ giảm đi một nửa (1/2). 

Nhờ đó, tổng lượng Bitcoin sinh ra là có giới hạn tiệm cận là 21 triệu BTC mà thôi.

Các mốc trong Bitcoin Halving: 

  • Bitcoin Halving số 1: Từ 03/01/2009 đến 28/11/2012, có 10.500.000 BTC được tạo ra tức là trung bình cứ mỗi 10 phút đào ra được 50 BTC
  • Bitcoin Halving số 2: Từ 28/11/2012 đến 09/07/2016, có 5.250.000 BTC được tạo ra tức là trung bình cứ mỗi 10 phút đào ra được 25 BTC
  • Bitcoin Halving số 3: Từ 09/07/2016 đến giữa năm 2020, sẽ có 2.625.000 BTC được tạo ra tức là trung bình cứ mỗi 10 phút đào ra được 12.5 BTC
  • Bitcoin Halving số 4: Và từ 2020 đến 2024, sẽ có 1.312.500 BTC được tạo ra tức là trung bình cứ mỗi 10 phút sẽ chỉ còn 6.25 BTC được đào ra.
  • Bitcoin Halving số 64: Sẽ không còn Bitcoin được đào ra thêm.
lịch sử bitcoin halving
Các sự kiện Bitcoin Halving

Bitcoin Dominance

Bitcoin Dominance (BTC.D) có thể hiểu là tỷ lệ thống trị của Bitcoin. Tỷ lệ này thể hiện mức ưu thế, mức áp đảo của Bitcoin với các altcoin khác trên thị trường tiền điện tử.

Tỷ lệ BTC Dominance được tính theo vốn hóa thị trường. Vốn hóa thị trường của Bitcoin càng cao so với các altcoin khác thì tỉ lệ BTC Dominance càng cao.

Ví dụ: BTC Dominance đang ở mức 60%, điều này có thể được hiểu là vốn hóa BTC đang chiếm 60% tổng vốn thị trường và altcoin chiếm 40% tổng vốn hóa thị trường. Altcoin ở đây ám chỉ tất cả các đồng coin/token không phải Bitcoin (BTC).

Thông thường, BTC Dominance sẽ cho thấy số tiền người dùng đang đổ vào BTC so với tổng số tiền đổ vào cả thị trường. 

  • Nếu chỉ số này ngày càng tăng lên, nghĩa là dòng tiền từ altcoin đang bị hút ngược về BTC, các nhà đầu tư Altcoin cần phải cẩn thận, vì lúc này, giá altcoin nhiều khả năng sẽ bị giảm.
  • Ngược lại, nếu chỉ số này giảm, khả năng rất cao chúng ta sẽ thấy một mùa Altcoin – khoảng thời gian mà các Altcoin tăng giá rất mạnh.

Vậy làm sao để áp dụng chỉ số này vào đầu tư Bitcoin hiệu quả? Liệu chỉ số này có hạn chế gì không? Tìm hiểu chi tiết tại đây: Cách đầu tư hiệu quả với Bitcoin Dominance

Các trang thông tin về uy tín về Bitcoin

Crypto là một thị trường liên tục phát triển với tốc độ chóng mặt, và Bitcoin cũng vậy. Anh em cần phải liên tục cập nhật thông tin và kiến thức về Bitcoin để có thể theo kịp xu hướng cũng như có quyết định đầu tư đúng đắn. 

Thế nhưng trên Internet có rất nhiều trang cung cấp thông tin, làm sao để chọn ra các nguồn thông tin mới nhất và đầy đủ nhất? Dưới đây là một số trang web về Bitcoin uy tín:

  • Cập nhật tin tức nhanh nhất: Telegram, Twitter, Facebook.
  • Cập nhật thông tin thị trường: Coindesk, Congecko, Coinmarketcap.
  • Cung cấp thông tin nghiên cứu chuyên sâu: Coin98 Insights, Messari, The Block, Dephi Digital, Medium, Binance Research.

Tổng kết

Vậy là mình đã giới thiệu cho bạn về Bitcoin là gì, đồng thời cung cấp mọi thông tin chi tiết về Bitcoin như: lịch sử hình thành, ưu điểm và cách hoạt động của Bitcoin, ví Bitcoin, các hình thức đầu tư Bitcoin và những rủi ro cần chú ý trong quá trình đầu tư.

Nếu cảm thấy bài viết này hữu ích hoặc có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận ở phía dưới nhé, mình sẽ hỗ trợ sớm nhất.

20 thoughts on “Bitcoin (BTC) là gì? Tất tần tật những thứ cần biết về Bitcoin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *